Quả khế có vị chua ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, trừ phong, tiêu viêm, lợi tiểu và long đờm. Theo y học cổ truyền, quả khế còn được dùng trong điều trị ho, sổ mũi, đau họng bằng cách ép lấy nước uống (khoảng 90 – 120 g quả khế tươi) (5).
Hoa khế vị chua chát, hơi ngọt, tính bình, có tác dụng nhuận phế, trừ ho, chỉ khát và bổ thận sinh tinh. Bên cạnh đó, người ta còn dùng hoa khế để trừ sốt rét, kinh giản ở trẻ em, ho khan, ho đờm, ho gà, kiết lị, thận hư và kém tinh khí.
Cách dùng: lấy khoảng 4 – 12 g hoa khế tẩm với nước gừng, sao lên rồi sắc lấy nước uống (hoặc lấy 8 – 16 g hoa khế hãm với nước sôi rồi uống) (5) (7).
Lá: Lá khế có vị chua chát, tính bình, có công dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, lợi tiểu. Trong y học cổ truyền, lá khế còn được dùng điều trị lở sơn, mề đay, dị ứng, cảm nắng, ho, tiểu buốt, tiểu ra máu, mụn nhọt, viêm tiết niệu và viêm âm đạo.
Mới đây một công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Bangladesh về hoạt động hạ đường huyết của ba loại lá cây trong đó có lá khế, đã nhận thấy rằng lá khế có công dụng hạ đường huyết đáng kể (10).