Kỹ thuật ươm trồng và cho lộc vừng ra hoa theo ý muốn
Trong số những loài cây cảnh, có lẽ Lộc Vừng là loại cây cảnh mà nhiều người ưa nhất. Thích không chỉ ở cái tên đã quá đỗi quen thuộc hay vẻ đẹp do nó mang lại, mà còn quý bởi chúng thuộc một trong bốn cây cảnh quý "sanh, sung, tùng, lộc" mà người đời vẫn ca tụng. Lộc vừng có thân, gốc và hoa rất đẹp.
Lộc vừng nằm trong bộ tam đa sinh vật cảnh: cây vạn tuế ứng với thọ, cây lộc vừng ứng với lộc và sung mang nghĩa sung túc, phúc lành. Loại cây lâu năm, tuổi thọ hàng trăm năm; lộc tía, hoa đỏ thõng dài. Chúng mọc nhiều ở thượng nguồn vùng sông Hương, sông Mã, sông Cả và ven bờ sông nước.
Cây Lộc Vừng thuộc nhóm cây "bờ nước" vì có bộ rễ bán thủy sinh (họ hàng với cây gáo phổ biến ở miền hạ lưu châu thổ), phát triển tốt ở nơi nước lợ (nước "hai" ảnh hưởng thủy triều) có nồng độ muối biển từ 1- 3 phần nghìn.
Lợi dụng đặc điểm sống trên, người ta thường "gắn" lộc vừng vào tiểu cảnh non bộ - hay Bonsai Lộc Vừng cho bộ rễ bám đá rất chắc chắn, lá thu nhỏ lại và dầy dặn cứng cáp, hoa buông thõng gợi cảm. Nhân giống lộc vừng bằng cả 2 con đường: Hữu tính từ hạt đã "chín cây" và vô tính bằng chiết vào mùa nóng ẩm (cây phát nhựa) hoặc giâm vào mùa hanh lạnh (thu mủ) khi lá rụng, chồi ẩn chưa hoạt động, đến đầu xuân tới mới được ra ngôi vào dịp tết trồng cây.